Theo đó, Khoa HSTC chống độc của BV quận 11 được thành lập cách đây hơn 3 năm (2017) với quy mô 9 giường hồi sức với 9 bác sĩ, và 15 điều dưỡng.
Việc thành lập khoa Hồi sức tích cực – Chống độc tại các bệnh viện hạng 2 đã có cơ sở pháp lý theo Quyết định 01/2008/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 21/01/2008 về ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc. Tuy nhiên, trên thực tế không phải BV hạng 2 nào cũng thực hiện được, nhất là các BV tuyến huyện hạng 2. Lý do phổ biến của việc chưa thành lập được khoa Hồi sức tích cực – Chống độc tại các BV hạng 2 là do gặp khó khăn về chọn lựa cơ sở hạ tầng cho khoa Hồi sức tích cực, thiếu các trang thiết bị chuyên dùng cho chuyên khoa hồi sức, nhưng khó khăn nhất vẫn là khó tuyển dụng để đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành hồi sức.
Bên cạnh việc đầu tư các trang thiết bị chẩn đoán và can thiệp chuyên sâu chung cho cả BV, khoa HSTC chống độc còn được trang bị máy hút đàm trung tâm, hệ thống oxy trung tâm, hệ thống monitor trung tâm cùng các máy chuyên dụng và các dụng cụ không thể thiếu cho công tác chăm sóc bệnh nhân nặng như: máy thở (06), máy đo ECG (01), monitor 05 thông số (05), bơm tiêm điện (09), máy truyền dịch (02), máy lọc máu (01), máy shock điện (01), máy ép hơi ngắt quãng (010, máy phun khí dung màng rung (01),… và các phương tiện hỗ trợ cấp cứu tại giường khác: Xquang, máy đo đường huyết, máy khí máu, siêu âm,
BV quận 11 được giao trách nhiệm tiếp nhận và điều trị tất cả các trường hợp bệnh nhân nặng với các bệnh lý phức tạp cần được hồi sức tích cực thuộc các chuyên khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhiễm… được chuyển đến từ khoa Cấp cứu và các khoa lâm sàng khác của BV.
Qua thời gian hơn 3 năm đi vào hoạt động, các bác sĩ của khoa HSTC chống độc của BV quận 11 đã từng bước triển khai hiệu quả các kỹ thuật hồi sức cấp cứu chuyên sâu như: thở máy, lọc máu liên tục, thay huyết tương, chọc dò màng phổi, đặt máy tạo nhịp tạm thời,... và đã cứu sống được các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch như hội chứng nguy ngập hô hấp cấp (ARDS), viêm phổi nặng, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản ác tính, choáng nhiễm trùng biến chứng suy đa cơ quan, nhồi máu não, xuất huyết não,… và các trường hợp ngộ độc mà trước đây phải chuyển bệnh nhân khẩn cấp lên tuyến trên. Hiện nay, hiếm khi khoa HSTC chống độc của BV phải chuyển bệnh nhân nặng lên bệnh viện tuyến trên ngoại trừ các trường hợp cần can thiệp mạch vành, hầu hết người bệnh đều an tâm và được chăm sóc tích cực tại khoa HSTC của BV.
Những thành quả đã làm được còn góp phần tác động tích cực mang tính “hiệu ứng domino” đó là tạo niềm tin cho các bác sĩ chuyên khoa khác trong bệnh viện, mạnh dạn hơn trong việc giữ người bệnh nặng ở lại và triển khai các kỹ thuật điều trị chuyên sâu cả nội và ngoại khoa.