Helicobacter pylori (HP) là gì?
Helicobacter pylori (HP) là một vi khuẩn có thể sinh sống và phát triển mạnh trong dạ dày, là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm loét dạ dày - tá tràng và có liên quan đến ung thư dạ dày.
Dấu hiệu, triệu chứng khi bị nhiễm HP
Đa số người bệnh khi nhiễm HP thường không có triệu chứng.
Một số triệu chứng có thể gợi ý như:
- Đau tức vùng thượng vị dạ dày, cảm giác cồn cào hoặc nóng rát, thường liên quan bữa ăn (khi đói hoặc khi ăn no), giảm đau khi uống các thuốc băng niêm mạc dạ dày.
- Đầy hơi chướng bụng, ăn nhanh no.
- Ợ chua, ợ nóng.
- Buồn nôn, nôn ói.
Khi có các triệu chứng kể trên, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất. Tại đây, các bác sĩ có thể cho các xét nghiệm tầm soát HP như:
- Nội soi dạ dày: đây là phương pháp chính xác nhất, vừa xác định nhiễm HP, vừa quan sát tình trạng viêm loét của niêm mạc dạ dày - tá tràng.
- Test hơi thở.
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm phân.
Phương pháp điều trị
Sau khi được chẩn đoán nhiễm HP, người bệnh cần tuân thủ theo điều trị của bác sĩ.
Người bệnh thường sẽ được kê đơn thuốc khoảng 2-4 tuần, để loại bỏ vi khuẩn HP và làm lành các tổn thương do HP gây ra (viêm, loét,…). Thời gian uống thuốc có thể dài hơn tùy theo tình trạng bệnh.
Ngoài việc dùng thuốc, chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ cũng góp phần rất lớn trong việc điều trị HP thành công:
- Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, không nên để quá đói hoặc quá no.
- Không ăn bữa cuối cùng gần giấc ngủ.
- Nên hạn chế thuốc lá và rượu bia.
- Tránh làm việc căng thẳng.
- Không cần thiết kiêng thức ăn nhiều gia vị, chua, cay một cách thường quy.
Cho đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa nhiễm HP. Việc phòng ngừa tái nhiễm hiện tại chủ yếu là rửa tay kỹ trước khi ăn, ăn các thức ăn được chuẩn bị đúng tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm và uống nước từ các nguồn nước sạch, an toàn.
BS. Phạm Thùy Trâm
Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Quận 11