Đường dây nóng Bệnh Viện: (028) 38586257 - Sở Y Tế: 0967 77 1010 - Ngành Y Tế: 1900 9095

Cần lắm những “tổ phản ứng nhanh” trên mỗi địa bàn quận, huyện trong xử lý các vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh

Thứ hai, 22/03/2021, 09:37:54 Lượt xem: 512

Thành phố Hồ Chí Minh với 131 bệnh viện, hơn 200 phòng khám đa khoa, hơn 6.000 phòng khám chuyên khoa, và gần 7.000 nhà thuốc tư nhân cho thấy công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám, chữa bệnh kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật còn rất nhiều khó khăn và thách thức, và đòi hỏi phải có sự nỗ lực và quyết tâm cao của các đơn vị tham gia công tác quản lý trong toàn ngành. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, Ngành Y tế Thành phố luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất hiệu quả của các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, và nhất là lực lượng Công an Thành phố và Công an địa phương trên các địa bàn phường, xã và quận, huyện trong công tác phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, hiệu quả quản lý hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ giảm tác dụng nếu như cơ quan quản lý (Sở Y tế) chậm nắm bắt được các thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh của các cá nhân và cơ sở. Thực tế đã chứng minh Thanh tra Sở đã gặp không ít khó khăn để tìm ra các chứng cứ vi phạm pháp luật khi đến cơ sở để kiểm tra thực tế nếu chỉ căn cứ vào nguồn thông tin phản ánh được đăng tải trên các báo, đài (vì các cơ sở đã chủ động có hành vi đối phó). Vậy làm thế nào có thêm một công cụ tiện ích để huy động sự phản ánh trực tiếp của người dân đến Thanh tra Sở Y tế, và khi nhận được thông tin phản ánh, thì làm thế nào tăng cường sự phối hợp trong xử lý thông tin để đạt hiệu quả cao nhất, thách thức này đã thôi thúc các phòng, ban chức năng của Sở Y tế đi tìm và triển khai các giải pháp mới, trong đó Thanh tra Sở Y tế là đơn vị chịu trách nhiệm chính.

Sau đúng 1 năm nhìn lại việc triển khai “Quy trình phản ứng nhanh trong tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế” (gọi tắt là Quy trình phản ứng nhanh)của Sở Y tế TPHCM, một quy trình mới do chính các cán bộ, công chức thuộc phòng, ban chức năng của Sở Y tế xây dựng và triển khai thực hiện với công cụ đơn giản để người dân dễ dàng phản ánh thông tin trực tiếp đến Thanh tra Sở Y tế, ứng dụng có tên là “Y tế trực tuyến”, và điều đáng mừng chính là sự nhìn nhận về tính hiệu quả của quy trình này của từng cán bộ, công chức của Sở Y tế cho đến các Phòng Y tế quận, huyện, và các Sở, ban ngành liên quan. Vì là quy trình mới đòi hỏi huy động nguồn lực trong một thời gian ngắn nhất, lúc bấy giờ, Sở Y tế đã chọn ưu tiên thử nghiệm quy trình này trong lĩnh vực thẩm mỹ, vốn đã được phản ánh có nhiều vi phạm trước đó.

Trước hết cần phải nhắc đến ứng dụng “Y tế trực tuyến”, một công cụ ứng dụng công nghệ thông tin đơn giản trên điện thoại thông minh giúp phát huy sự tham gia chủ động của người dân trong phản ánh thông tin trực tiếp đến Thanh tra Sở Y tế các cơ sở có biểu hiện vi phạm pháp luật. Với công cụ này, Thanh tra Sở Y tế đã tiếp nhận trên 400 thông tin phản ánh, kênh này hoạt động 24/7, và quy trình phản ứng nhanh trong 1 năm qua đã được kích hoạt kịp thời, không kể ngoài giờ hay ngày nghỉ, hoạt động này hoàn toàn chưa xảy ra trước đó, tuy có các thanh tra viên có “mệt hơn rất nhiều” nhưng rất phấn khởi vì đã góp phần không nhỏ trong phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.

Kế đến là Quy trình phản ứng nhanh, sau nhiều buổi cùng ngồi xây dựng, rồi bổ sung, chỉnh sửa của cán bộ, công chức thuộc Thanh tra Sở Y tế và các phòng chức năng có liên quan (Phòng Quản lý Dịch vụ Y tế, Phòng Nghiệp vụ Y, Nghiệp vụ Dược,…) rồi thì bản thảo cũng được hình thành và được Giám đốc Sở Y tế ban hành chính thức sau khi tổng hợp các ý kiến góp ý của các trưởng Phòng Y tế các quận, huyện và các Sở, ban ngành có liên quan, nhất là Công an TPHCM. Bên cạnh các bước thực hiện rất rõ ràng và cụ thể khi tiếp nhận được thông tin phản ánh của người dân được nêu rõ trong quy trình, một thách thức không nhỏ đối với Thanh tra Sở Y tế, các phòng chức năng Sở Y tế và các phòng y tế quận, huyện là quy trình quy định rõ thời gian tiếp cận và xử lý thông tin (chỉ 1, 2 và 3 ngày tương ứng với các cấp độ của thông tin được phản ánh).

Một trong những “bí quyết” để vượt qua thách thức khó này chính là việc hình thành “Đội phản ứng nhanh của Sở Y tế” trong đó Thanh tra Sở làm nòng cốt, và “Tổ phản ứng nhanh của UBND quận, huyện” do Phòng Y tế làm nòng cốt. Cho dù là “đội” hay “tổ”, có thể khẳng định yếu tố mang tính quyết định cho sự thành công trong triển khai Quy trình phản ứng nhanh chính là sự phối hợp nhanh chóng và nhịp nhàng, hiệu quả giữa các phòng chức năng của Sở Y tế, giữa Thanh tra Sở với UBND quận, huyện (chủ lực là Phòng Y tế quận, huyện), và nhất là Công an Thành phố; còn đối với việc xử lý thông tin thuộc phân cấp UBND quận, huyện thì sự phối hợp hiệu quả giữa Phòng Y tế với các phòng chức năng có liên quan thuộc UBND quận, huyện (phòng kinh tế, phòng thông tin truyền thông, Công an quận, huyện, UBND phường, xã,…) mang tính quyết định. Thực tiễn chứng minh những Phòng Y tế nào đã tham mưu tốt cho UBND quận, huyện triển khai “Tổ phản ứng nhanh” với sự phối hợp như trên sẽ phát huy tốt tác dụng, còn nếu như “Tổ phản ứng nhanh” chỉ gói gọn trong các thành viên của Phòng Y tế thì khó đạt được thời gian tiếp cận và xử lý theo yêu cầu của Quy trình phản ứng nhanh.

Chắc chắn Sở Y tế sẽ phát huy, duy trì và hoàn thiện hơn nữa “Y tế trực tuyến”, “Quy trình phản ứng nhanh trong tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế” và hoạt động của “Đội phản ứng nhanh” trực thuộc Sở Y tế. Đồng thời, Sở Y tế cũng cần lắm có thêm nhiều “Tổ phản ứng nhanh” hoạt động theo cách phối hợp nhanh và hiệu quả như trên tại mỗi địa bàn quận, huyện trong xử lý các vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh.

Trong thời gian sắp tới, Sở Y tế sẽ kiến nghị lãnh đạo Thành phố khen nóng các đơn vị đã tham gia Quy trình phản ứng nhanh và kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế trong thời gian qua, đồng thời kiến nghị HĐND TP và UBND TP có những chế độ chính sách để động viên cán bộ, công chức, viên chức đã tham gia không mệt mỏi, không kể ngoài giờ hay ngày nghỉ đối với hoạt động này trong thời gian sắp tới.

Theo: SỞ Y TẾ TP.HCM