Về xét nghiệm: Đức là quốc gia đã tận dụng hệ thống y tế vốn đã mạnh và năng lực phòng xét nghiệm tư nhân để làm xét nghiệm với số lượng lớn sớm hơn bất kỳ quốc gia Châu Âu nào khác. Cho đến nay, Đức vẫn là quốc gia có tỷ lệ bình quân đầu người được làm xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 cao nhất trên thế giới. Chiến lược của Đức không chỉ là câu chuyện thành công bằng những con số. Phương pháp tiếp cận có chủ đích để xét nghiệm bao gồm những người có ít triệu chứng hoặc không có triệu chứng cũng như những người bị bệnh nặng, và quốc gia này đang bắt đầu làm xét nghiệm tìm kháng thể và nhanh chóng tiến hành xét nghiệm này với quy mô lớn. Việt Nam là quốc gia sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả để ưu tiên xem ai nên được kiểm tra xét nghiệm trước để tối đa hóa tác động và là quốc gia hiện có tỷ lệ người dân được làm xét nghiệm kiểm tra cao nhất trên thế giới tính trên mỗi trường hợp dương tính, cho thấy rằng chiến lược xét nghiệm của quốc gia này đã thành công.
Về cách ly điều trị: Singapore đã bảo vệ nhân viên y tế khỏi bị lây nhiễm nhờ vào các chính sách thông minh có được từ khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003. Vào thời điểm đó, nhân viên y tế chiếm 41% các ca nhiễm trùng của Singapore, vì vậy nước này lần đầu tiên công bố Kế hoạch sẵn sàng ứng phó với đại dịch cúm vào năm 2005 và thường xuyên đào tạo nhân viên bệnh viện cho kịch bản này. Singapore cũng xây dựng một kho dự trữ thiết bị bảo hộ cá nhân và nhân viên y tế đã tuân thủ nghiêm túc việc sử dụng khẩu trang phẫu thuật, vệ sinh tay và các quy trình tiêu chuẩn khác. Hơn nữa, trong thời gian ứng phó với COVID-19, các bệnh viện đã tổ chức lại thành các nhóm nhân viên y tế dạng “module” (modular teams) để luân phiên nhau làm việc và làm giảm tiếp xúc giữa các nhóm. Trong suốt tháng 4/2020, quốc gia này chỉ ghi nhận một số ít nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, và hầu hết những ca nhiễm trùng này khả năng cao là xảy ra trong cộng đồng, bên ngoài các cơ sở y tế. Hàn Quốc đã có một trải nghiệm tương tự với MERS vào năm 2015. Sau khi dịch MERS bùng phát, quốc gia này đã triển khai đào tạo thường xuyên hơn và chỉ định các cơ sở chuyên trách tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp bùng phát dịch hô hấp trong tương lai. Trong đại dịch COVID-19, Hàn Quốc đã ngăn chặn hiệu quả việc lây nhiễm cho nhân viên y tế bằng cách tách bệnh nhân COVID-19 khỏi những bệnh nhân khác thông qua việc chỉ định một số khoa chuyên tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 và tách biệt hẳn các khoa còn lại trong cùng một bệnh viện, đồng thời đẩy mạnh xét nghiệm và sàng lọc nhân viên y tế .
Về truy vết: Đức đã theo dõi chi tiết các mối liên hệ trong chùm ca bệnh đầu tiên (“chùm ca Munich”), giúp các nhà chức trách hiểu được sự lây lan của dịch bệnh và đưa ra chiến lược ngăn chặn phù hợp. Đức hiện cũng đang triển khai các công cụ kỹ thuật số để tăng hiệu quả của việc truy vết những người tiếp xúc. Hàn Quốc đã sử dụng GPS và các bản ghi khác để cải thiện khả năng truy vết, công khai quỹ đạo của bệnh nhân để người dân có thể xác định liệu họ có thể đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hay không. Dựa trên kinh nghiệm của mình với dịch SARS, Việt Nam đã tiến hành truy tìm những người tiếp xúc với người bị nhiễm lên đến 3 cấp độ, trên cơ sở đó để ra chỉ định xét nghiệm, cách ly điều trị và cách ly kiểm dịch hàng loạt.
Cách ly kiểm dịch: Singapore và Hàn Quốc đã thiết lập các hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ cho những người được cách ly kiểm dịch. Một số quốc gia đã thiết lập các chính sách hỗ trợ dịch vụ giao hàng tận nhà cho những người được cách ly kiểm dịch tại nhà, bao gồm cả sự tham gia của các ủy ban khu phố và các nhóm tình nguyện. Tại Hàn Quốc, các tỉnh và thành phố chỉ định các khu nhà trọ hoặc các cơ sở khác là “trung tâm hỗ trợ điều trị và sinh hoạt” để cách ly những người có biểu hiện nghi ngờ. Trong khi đó, Việt Nam yêu cầu tất cả khách du lịch quốc tế phải cách ly theo dõi 14 ngày sau khi nhập cảnh vào quốc gia này để tránh mọi nguy cơ có thể xảy ra với các thành viên trong gia đình.
(Tài liệu tham khảo: “Essential actions to ‘box in’ the virus”, https://www.exemplars.health)