Đường dây nóng Bệnh Viện: (028) 38586257 - Sở Y Tế: 0967 77 1010 - Ngành Y Tế: 1900 9095

Tìm hiểu hoạt động đánh giá chất lượng bệnh viện tại Hàn Quốc

Thứ ba, 19/03/2019, 06:48:15 Lượt xem: 382

Lịch sử hoạt động đánh giá chất lượng bệnh viện tại Hàn Quốc

Năm 1967, Hiệp hội Bệnh viện Hàn Quốc (Korean Hospital Association - KHA) bắt đầu đánh giá các chương trình đào tạo bệnh viện dưới sự bảo trợ của Bộ Y tế và Phúc lợi (MOHW), đến năm 1981, KHA đã giới thiệu Chương trình chuẩn hóa bệnh viện.

Năm 1994, Ủy ban Cải cách an ninh y tế đã đề xuất một hệ thống mới gọi là đánh giá các cơ sở y tế (Evaluation of Healthcare Organization - EHO) nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Sau 8 năm thiết kế và thử nghiệm, EHO chính thức ra mắt vào năm 2003, với trọng tâm là sự an toàn của bệnh nhân và quyền con người. Theo quy định của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, tất cả các bệnh viện đều phải trải qua đánh giá (hệ thống bắt buộc): 275 bệnh viện được đánh giá lần 1 (2004-2006) và 288 bệnh viện được đánh giá trong lần thứ hai (2007-2009), và các chỉ số lâm sàng đã được đưa vào tiêu chí đánh giá. Mặc dù hoạt động đánh giá các cơ sở y tế có nhiều mặt tích cực, nhưng cũng nhận những chỉ trích về sự cạnh tranh quá mức giữa các cơ sở y tế về sự mất công bằng và thiếu tin cậy của bảng xếp hạng dựa trên kết quả đánh giá của EHO. Ngoài ra, EHO được thiết kế và triển khai chỉ nhắm mục tiêu vào các bệnh viện lớn, làm giảm giá trị của nó trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc được cung cấp bởi các tổ chức chăm sóc sức khỏe khác.

Thừa nhận những chỉ trích liên quan đến EHO, chính phủ Hàn Quốc đã cải tổ hệ thống và chuyển nó thành hệ thống kiểm định chất lượng như hiện tại (KOIHA) vào năm 2010. Điểm khác biệt đáng chú ý là đánh giá được thực hiện với sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (bệnh viện), người tiêu dùng và Chính phủ Hàn Quốc, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã công nhận KOIHA là một tổ chức phi lợi nhuận.

Quy trình kiểm định chất lượng bệnh viện tại Hàn Quốc

Không giống như hệ thống EHO, kiểm định chất lượng bởi KOIHA là hoàn toàn tự nguyện. Cơ sở y tế muốn được kiểm định và công nhận chất lượng đều bắt đầu bằng việc nộp hồ sơ, sau đó là hoạt động đánh giá qua hồ sơ và khảo sát tại chỗ. Khảo sát tại chỗ được thực hiện bởi nhóm chuyên gia từ 2 đến 6 người, khảo sát trong thời gian từ 2 đến 4 ngày, tùy thuộc vào loại và quy mô của bệnh viện. Ví dụ, một bệnh viện tâm thần có ít hơn 100 giường: khảo sát tại chỗ 2 ngày bởi 2 chuyên gia kiểm định; một bệnh viện đa khoa tuyến cuối với hơn 1.000 giường: 6 kiểm định viên khảo sát trong 4 ngày.

Quá trình khảo sát tại chổ sử dụng cả phương pháp theo dõi bệnh nhân và theo dõi hệ thống. Mục đích trước đây là để đánh giá mỗi bệnh nhân thực sự trải nghiệm các chức năng chính của bệnh viện như thế nào từ đầu đến cuối khi được chăm sóc bằng cách theo dõi bệnh nhân di chuyển thực tế trên các khu vực khác nhau của bệnh viện. Ngược lại, theo dõi hệ thống, được thực hiện thông qua thảo luận nhóm, nhằm đánh giá chất lượng và an toàn chung của một tổ chức chăm sóc sức khỏe. Do đó, các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như cải tiến chất lượng liên tục, quản lý thuốc, quản lý nguồn nhân lực, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý cơ sở hạ tầng và quản lý thông tin lâm sàng, được kiểm tra trong các hoàn cảnh chăm sóc bệnh nhân tại những khu vực chính, như khoa cấp cứu, phòng chăm sóc đặc biệt, phòng bệnh, phòng phẫu thuật, phòng khám và các dịch vụ ngoại trú.

Mặc dù phương pháp này có thể không đủ đáp ứng tất cả các tiêu chí chất lượng cần kiểm định, bằng cách kết hợp cả theo dõi bệnh nhân và theo dõi hệ thống, toàn bộ hình ảnh của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cung cấp trong bệnh viện có thể được mô tả và có thể dự đoán được kết quả hợp lệ và đáng tin cậy.

Để thực hiện một cuộc khảo sát công bằng và khách quan, Viện Kiểm định chất lượng khám, chữa bệnh Hàn Quốc - KOIHA đã hình thành nhóm kiểm định viên. Tính đến tháng 3/2013, KOIHA đã có 861 kiểm định viên, hầu hết là các chuyên gia làm việc bán thời gian. Kiểm định viên là các bác sĩ, điều dưỡng và các chuyên gia y tế khác, như dược sĩ, quản trị bệnh viện, phải trải qua nhiều tuần đào tạo và kiểm tra trước khi đi khảo sát thực tế tại các bệnh viên.

Sau khi công việc đánh giá hồ sơ và khảo sát tại chỗ của nhóm kiểm định viên hoàn thành, Ủy ban kiểm định chất lượng bệnh viện sẽ xác định có nên công nhận chất lượng bệnh viện hay không. Nếu không được công nhận, các bệnh viện và các cơ sở y tế có thể kháng cáo kết quả để được kiểm định lại. Kết quả cuối cùng sẽ được báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi và ra quyết định công bố kết quả thông qua trang tin điện tử của KOIHA. Giá trị công nhận chất lượng bệnh viện có giá trị trong 4 năm, sau đó phải được kiểm định lại. Trong khoảng thời gian 4 năm sau khi được công nhận, nếu xảy ra các sự cố nghiêm trọng liên quan đến chất lượng hoặc an toàn người bệnh, cuộc khảo sát tại chỗ có thể được lặp lại bất cứ lúc nào.

Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện của Hàn Quốc

Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện của Hàn Quốc đã được Hiệp hội quốc tế về chất lượng chăm sóc sức khỏe (ISQua) công nhận vào tháng 4/2012. Các tiêu chí chất lượng đã được xây dựng và phát triển nhằm đáp ứng các yêu cầu về an toàn người bệnh và cải thiện chất lượng liên tục. Các tiêu chí chất lượng được thiết kế đảm bảo phù hợp với quy mô và đặc thù chuyên khoa của mỗi bệnh viện.

Bộ tiêu chí chất lượng do Viện Kiểm định chất lượng khám, chữa bệnh Hàn Quốc - KOIHA xây dựng, bao gồm 4 lĩnh vực chính: hệ thống các giá trị cơ bản của một bệnh viện, hệ thống chăm sóc bệnh nhân, hệ thống quản lý hành chính và hệ thống quản lý hiệu quả của một bệnh viện. Gồm 13 chương, bao gồm: an toàn người bệnh, cải tiến chất lượng liên tục, hệ thống cung ứng các dịch vụ chăm sóc, … và các chỉ số lâm sàng.

Khung các chuẩn chất lượng bệnh viện:

Cấu trúc chính

I. Giá trị cơ bản

II. Chăm sóc bệnh nhân

III. Quản lý hành chính

IV. Hiệu quả

Các chương

1. An toàn người bệnh

2. Cải tiến chất lượng liên tục

3. Hệ thống cung ứng các dịch vụ chăm sóc

4. Chăm sóc bệnh nhân

5. Phẫu thuật và chăm sóc gây mê

6. Quản lý sử dụng thuốc

7. Quyền người bệnh

8. Quản lý và vận hành của tổ chức

9. Quản lý nguồn nhân lực

10. Kiểm soát nhiễm khuẩn

11. Cơ sở hạ tầng và môi trường

12. Quản lý thông tin

13. Các chỉ số lâm sàng


Số loại và số tiêu chí và số dữ liệu có thể đo được theo loại bệnh viện:

 

Loại

Số tiêu chí chất lượng

Số dữ liệu có thể đo được

Bệnh viện lớn

 

42

84

408

Bệnh viện trung bình/nhỏ

 

36

66

308

Bệnh viện chăm sóc bệnh mạn tính người cao tuổi

27

49

203

Bệnh viện tâm thần

 

28

53

198


Các tiêu chí chất lượng được chia thành 3 nhóm để đánh giá: A, B và C. Các tiêu chí trong nhóm A, được đánh giá là có/không nhằm xác định xem bệnh viện có thiết lập các chính sách, hướng dẫn, quy trình, chương trình và hệ thống tổ chức cụ thể hay không. Các tiêu chí trong nhóm B và C được đánh giá là cao/trung bình/thấp, trong đó nhóm B xác định xem nhân viên của bệnh viện về đào tạo, kiến thức, công nhận và triển khai thực hiện; nhóm C xác định mức độ quản lý và cải tiến phù hợp với các mục trong nhóm A.

Kiểm định chất lượng bệnh viện tại Hàn Quốc còn gặp nhiều thách thức

Thách thức quan trọng nhất là sự tham gia của các bệnh viện còn ở mức thấp. (Năm 2013, chỉ có 159 trong tổng số 1.531 bệnh viện được kiểm định và công nhận chất lượng, chỉ chiếm 10,4%). Tỷ lệ các bệnh viện tham gia thấp hơn dự kiến này có thể bắt nguồn từ bản chất tự nguyện tham gia kiểm định chất lượng, không bị ràng buộc với bất kỳ quy định hoặc hệ thống thanh toán nào. Đã có ý kiến đề xuất bảo hiểm y tế chỉ thanh toán cho các bệnh viện được công nhận chất lượng thì nhiều bệnh viện sẽ đăng ký kiểm định chất lượng (mà không ảnh hưởng bản chất tự nguyện của quy trình kiểm định chất lượng). Tuy nhiên, đây là một vấn đề phức tạp vì mọi cơ sở khám chữa bệnh bắt buộc phải có hợp đồng với BHYT.

 

Một thách thức khác đó là tổ chức kiểm định bệnh viện Hàn Quốc phải đối mặt với các tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế như JCI. Một vài bệnh viện lớn đã được các hệ thống quốc tế công nhận và sử dụng việc được tổ chức quốc tế công nhận như một điểm tiếp thị, việc tự nguyện đăng ký kiểm định chất lượng trong nước thật sự không không cần thiết và không còn động lực đối với các bệnh viện này. Trước tình hình này, KOIHA đã cố gắng tạo sự khác biệt bằng cách nhấn mạnh vào chuẩn an toàn người bệnh phù hợp với đặc thù của người bệnh và các bệnh viện Hàn Quốc.

Theo: SỞ Y TẾ TP.HCM