Đường dây nóng Bệnh Viện: (028) 38586257 - Sở Y Tế: 0967 77 1010 - Ngành Y Tế: 1900 9095

Lao phổi

Thứ ba, 23/03/2021, 23:21:49 Lượt xem: 570

Bệnh lây lan do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài khi người mắc lao phổi ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ mà vô tình người tiếp xúc gần đó có thể bị hít vào và gây bệnh tại phổi. Từ phổi, vi khuẩn lao có thể qua đường máu hay bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể và gây bệnh tại đó.

1

Lao phổi thường gặp ở người lớn; ở trẻ em lao phổi hay gặp ở trẻ 10 – 14 tuổi. Đây là lứa tuổi có nhiều thay đổi về nội tiết, bệnh lao phổi có những đặc điểm riêng. Do sức đề kháng giảm nên tỷ lệ lao phổi ở người già cũng gặp nhiều hơn.

Đối tượng nào dễ có nguy cơ mắc lao phổi: người mắc bệnh bụi phổi, bệnh phổi do virus, bệnh đái tháo đường, HIV/AIDS, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai, nghiện rượu, người hút thuốc lá, người già,…

Đối với người bị nghi ngờ mắc bệnh lao phổi, nếu xét nghiệm soi đờm trực tiếp thấy có vi khuẩn lao thì người bệnh được chẩn đoán là lao phổi AFB (+) và ngược lại là lao phổi AFB (-).

2

  • Ho kéo dài trên 3 tuần, có thể ho khan, ho đàm hoặc ho ra máu
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Người suy kiệt
  • Ớn lạnh hoặc sốt nhẹ dai dẳng về chiều
  • Ra mồ hôi trộm
  • Chán ăn, sụt cân

Biến chứng

  • Tràn dịch màng phổi
  • Tràn khí màng phổi
  • Suy hô hấp mãn
  • Giãn phế quản
  • U nấm phổi

Phương tiện chẩn đoán: xét nghiệm đàm tìm vi khuẩn lao, xét nghiệm máu, chụp x-quang phổi, chụp CT scan ngực, đo chức năng hô hấp.

Điều trị:

Hầu hết các trường hợp lao phổi đều có thể chữa khỏi được khi điều trị đúng phương pháp và đúng thuốc. Các phác đồ điều trị lao được phân ra điều trị tùy theo từng trường hợp cụ thể. Người mắc bệnh lao phổi phải uống thuốc đầy đủ, đúng liều lượng, không được tự ý ngưng sử dụng thuốc ngay cả khi các triệu chứng bệnh lao phổi đã biến mất.

Phòng bệnh

Lao phổi là nguồn lây nên điều trị giải quyết nguồn lây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất cho những người xung quanh. Người lao phổi không nên khạc nhổ bừa bãi, nên che miệng khi hắt hơi, không ngủ cùng phòng với người khác, không đến nơi đông người...

Những người mắc một số bệnh như đái tháo đường, loét dạ dày - tá tràng, bụi phổi, cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện bệnh lao phổi kết hợp. Cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời lao phổi để phòng các biến chứng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Lao phổi: dấu hiệu triệu chứng, chẩn đoán điều trị bệnh học lao (dieutri.vn)

                                                                                                                                                      Bs. Phạm Anh Tuấn

Phụ trách Khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Quận 11